

Tham gia vào thị trường đầu tư chứng khoán, chắc hẳn các nhà đầu tư không muốn bỏ lỡ bất kì một cơ hội gia tăng lợi nhuận nào. Tuy nhiên, cảm giác luôn muốn kiểm tra điện thoại hay máy tính liên tục để xem biến động bảng giá lại không phải là một điều nên làm bởi đây là một hành động dẫn đến nhiều hệ lụy khi đầu tư chứng khoán quốc tế.
“Hãy nhớ rằng, mục tiêu của bạn là giao dịch tốt, không phải giao dịch thường xuyên” – (Remember, your goal is to trade well, not to trade often) – Alexander Elder.
Thói quen tai hại này đến từ đâu?
Câu trả lời rất đơn giản: từ nỗi sợ của các nhà đầu tư không thật sự thấu hiểu về cổ phiếu của họ. Họ nắm giữ một cổ phiếu nhưng lại không trang bị đủ thông tin vì vậy xu hướng lên xuống, thời gian nắm giữ, giá trị công ty. Đó là lý do khiến họ không tự tin và phải liên tục xem bảng giá để nắm được tình hình.


Những thay đổi trên bảng giá sẽ ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư chứng khoán, khiến họ muốn giao dịch nhiều hơn, liên tục hơn. Bảng giá là sự phản ánh lại tâm lý của đám đông. Liên tục theo dõi bảng giá là cách bạn hòa mình vào đám đông nhanh nhất. Nhưng đám đông ở thị trường này lại đại diện cho sự tham lam và sợ hãi. Liêu bạn có giữ được sự sáng suốt và bình tâm của mình khi liên tục nhìn thấy những lệnh xanh đỏ chuyển động trên màn hình?
> Xem thêm: Lòng tham là kẻ thù số một của nhà đầu tư chứng khoán
Các nhà đầu tư chứng khoán nên từ bỏ bằng cách nào?
Hãy cùng áp dụng phương thức vòng lặp theo cuốn sách “Sức mạnh của thói quen” (The Power of Habit) của nhà nghiên cứu người Mỹ Charles Duhigg:
Bước 1: Tạo động lực từ bỏ thói quen xấu
Hãy so sánh giữa được và mất nếu tiếp tục duy trì thói quen đó. Nếu hại nhiều hơn lợi, bạn sẽ có được động lực và lý do để từ bỏ.


Vậy lợi và hại của việc nhìn bảng giá liên tục là gì?
- Lợi: Nhà đầu tư chứng khoán được thỏa mãn trí tò mò, cảm giác nắm được mọi thông tin, yên tâm hơn khi giá đi đúng chiều mình mong muốn
- Hại: Lãng phí thời gian, ảnh hưởng tâm lý, mất tập trung, không thể cân bằng giữa cuộc sống và giao dịch, dễ gặp stress, giảm giao tiếp xã hội,…
Giữa những điều được và mất trên bạn có cảm thấy xứng đáng để tiếp tục thói quen này không? Nếu cảm thấy quá nhiều bất lợi và muốn từ bỏ, bạn hãy tạo một thông điệp trong đầu: “tôi muốn đầu tư chứng khoán thành công, tôi không muốn tiếp tục điều này”. Lặp lại đủ nhiều, thông tin sẽ đi vào tiềm thức và dẫn đến hành động.
Bước 2: Áp dụng phương pháp vòng lặp
Nguyên lý vòng lặp: Gợi ý -> hành động -> phần thưởng
Tất cả các thói quen đều bắt đầu bằng một sự gợi ý. Để thay đổi thói quen, ta chỉ có thể tác động vào gợi ý hoặc hành động.


1. Ví dụ dẫn đến thói quen xem bảng giá:
- Gợi ý: điện thoại nhận thông báo từ thị trường đầu tư chứng khoán liên tục.
- Hành động: cầm điện thoại lên xem.
- Phần thưởng: Được cập nhật thông tin mới.
2. Thay đổi thói quen:
- Tác động gợi ý: chặn các trang xem bảng giá, tắt mạng internet,…
- Tác động vào hành động: thay thế thói quen xấu bằng một thói quen tốt mang lại phần thưởng tương tự. Ví dụ, thay vì nhìn bảng giá để nhận được thông tin mới, ta có thể trò chuyện cùng những người thực sự có chuyên môn để cập nhật thông tin thị trường.
3. Lưu ý:
Để không bị phân tâm, các nhà đầu tư chứng khoán hãy tập trung thay đổi từng thói quen một, không nên thay đổi nhiều thói quen cùng 1 lúc.


Hãy chọn 1 thói quen lớn nhất cần thay đổi và rồi như một hiệu ứng domino, bạn sẽ thay đổi được nhiều thói quen nhỏ liên quan.
——————————————